Bệnh tay chân miệng là bệnh lý thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi do virus đường ruột gây ra bệnh đặc trưng bởi tình trạng sốt, đau họng, nổi bọng nước tập trung ở tay, chân, miệng. Bệnh gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm có thể tử vong nếu không can thiệp kịp thời.
Bệnh tay chân miệng lây chủ yếu theo đường tiêu hoá từ nước bọt, phỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh. Vì vậy, những nơi có nguy cơ lây nhiễm cao và phát triển thành ổ dịch như là mẫu giáo, nhà trẻ,...
1. Dấu hiệu nhận biết của bệnh:
- Giai đoạn ủ bệnh: Không có nhiều biểu hiện về bệnh, thời gian kéo dài từ 3-7 ngày.
- Giai đoạn khởi phát: Diễn ra trong vòng 1 đến 2 ngày với biểu hiện đau họng, sốt nhẹ, quấy khóc, biếng ăn, tiêu chảy,...
- Giai đoạn toàn phát: Viêm loét miệng , sốt, phát ban trên da dưới dạng phỏng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, đầu gối, khuỷu tay và mông.
2. Phòng ngừa và cách xử trí khi trẻ bị tay-chân-miệng
- Rửa tay nhiều lần cho trẻ bằng xà phòng đặc biệt trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
- Phụ huynh khi chăm sóc trẻ bệnh nên rửa tay nhiều lần trong ngày bằng xà phòng, trước khi cho trẻ ăn và sau khi đi vệ sinh cho trẻ.
- Không để trẻ mút tay hoặc đưa đồ chơi lên miệng.
- Cho trẻ ăn chín, uống sôi và dùng riêng thìa, bát.
- Thu gom và xử lý phân, chất thải, quần áo của trẻ bằng Cloramin B 2%.
- Thường xuyên vệ sinh sàn nhà và đồ chơi của trẻ bằng xà phòng hoặc chất sát khuẩn thông thường.
- Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
- Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh.
- Khi thấy trẻ bị sốt, xuất hiện các nốt phỏng ở bàn tay, bàn chân, niêm mạc miệng phụ huynh cần:
+ Đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế.
+ Cho trẻ nghỉ học tránh tiếp xúc với các trẻ khác.
+ Không làm vỡ các nốt phỏng để tránh nhiễm trùng và lây lan bệnh.
+ Hạn chế vận động, tăng cường dinh dưỡng cho trẻ với các thực phẩm mềm, dễ tiêu hóa.
Lưu ý: Phụ huynh không nên tự ý dùng thuốc để điều trị cho trẻ, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời, đề phòng những biến chứng nguy hiểm xảy ra.