Giữ thế kỷ XVIII, Thị xã Kiến tường nói chung và phường 1 nói riêng vẫn là cánh đồng hoang mênh mông, cây cối um tùm, nhiều loài động vật về đây sinh sống… Sự hoang sơ đã tạo cho vùng đất này đa dạng sinh học. Di chỉ Rạch Rừng - Mộc Hóa có niên đại cách nay khoảng 2.800 năm, một số di chỉ văn hóa khác cũng được tìm thấy ở nhiều nơi thuộc Đồng Tháp Mười, cho thấy nơi đây từ hàng ngàn năm trước đã có cư dân đến sinh sống.
Phường 1 nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa đặc trưng của vùng Nam bộ, nhiệt độ cao đều quanh năm, ánh sáng dồi dào, lượng mưa lớn và phân hóa thành hai mùa rõ rệt. Nhiệt độ trung bình là 30°C, rất thuận lợi cho việc phát triển các cây trồng nhiệt đới. Nơi đây cũng chịu nhiều tác động của thiên nhiên, và hàng năm thường có lũ lụt.
Phường 1 mang đặc điểm chung của địa hình vùng Đồng Tháp Mười là vùng đất thấp trũng, khó thoát nước. có tuyến sông chính là sông Vàm Cỏ Tây đi qua, đây là trục tưới tiêu, thoát nước trong mùa lũ, đồng thời cũng là trục xâm nhập mặn vào khu vực này. Hệ thống kinh rạch trên địa bàn cũng khá dày đặc, với các kênh lớn như kênh Cửa Đông, kênh Quảng Cụt, kênh Ốp, ….có thể thoát lũ trong mùa mưa, cung cấp nước trong mùa khô.
Các ngành nghề truyền thống địa phương phường 1:
Với đặc điểm nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa và hàng năm đều có lũ lụt về, nên Phường 1 có đa dạng các ngành nghề như nghề đóng ghe, xuồng, nghề làm mắm, đương đệm bàng,…. Đã được hình thành từ rất lâu và nuôi sống người dân qua nhiều thế hệ.
Một số nghề tiêu biểu:
1. Nghề cá: Với đặc điểm kênh ngòi phát triển, hàng năm lũ về và nguồn cá tự nhiên rất đa dạng và phong phú nên người dân đã nghĩ ra rất nhiều dụng cụ để đánh bắt cá ví dụ : Đặt lợp, đặt xà di, giăng lưới,….
(Nguồn: Internet)
Nghề chài lưới: Chài được làm bằng lưới, chia thành nhiều nếp, miệng chài có thể bung tròn rộng khi người ta quăng chài ra. Phía trên chài được gom túm lại và buộc vào đó sợi dây chắc chắn. Phía dưới dằn nhiều lòi tói nhỏ, khắp quanh miệng chài. Người ta có thể mang chài trên vai, tay xách thêm chiếc giỏ tre rồi rảo quanh đồng trống, hay bưng biền nước ngập. Thấy thuận tiện, theo kinh nghiệm đoán biết nơi nào đó có cá, tép thì tay tém, tay cung quăng chài ra.
(Nguồn: Internet)
Nghề giăng lưới: lưới sử dụng loại manh lưới gân hoặc nilon. Phía trên và phía dưới sẽ có 2 giềng lưới được gắn thêm phao cho lưới nổi trên mặt nước. Mặt lưới lớn nhỏ tùy thuộc vào nhu cầu sử dụng của mỗi người. Thông thường, để giăng các loại các có kích thước nhỏ như cá sặc, cá chốt, cá chạch,…thì họ sẽ chọn loại lưới từ 2 đến 3 phân. Còn để giăng các loại cá có kích thước lớn hơn như cá rô, cá trê, cá lóc, cá thác lác, … thì lưới từ 4 đến 10 phân là hợp lý. Vào mùa nước nổi, cánh mày râu thường sẽ lập thành đoàn đi đến những vùng đồng nơi mà những con nước tràn vào ruộng. Họ sẽ chia nhau, mỗi người một khu vực và giăng lưới đánh bắt cá. Trưa đến, người dân sẽ tụ tập lại trên chiếc xuồng cùng uống trà và bàn chuyện đánh bắt cá. Đến chiều, đoàn người giăng lưới bắt đầu về và đến chợ bán số cá mà cả ngày họ kiếm được, kết thúc hành trình 1 ngày.
(Nguồn: Internet)
Nghề xà di: Mùa nước lũ đến, khi lúa ngoài đồng đã cắt hết, ruộng xăm xắp nước, các hạt lúa lúc thu hoạch còn vương vãi trên đất bắt đầu mộc lên đó là nguồn thức ăn dồi dào cho cá đồng nên cá rất mập, đó là lúc người dân bắt đầu nghề đặt xà di. Để dẫn dụ cá vào thì thường dùng mồi để phía trong xà di thông qua miệng xà di ở phía trên. Thời xưa, mồi là lúa non trộn với đất bùn, nhưng về sau mồi để nhử cá thường là xác mắm băm nhuyễn trộn với đất, thêm vài hạt lúa rồi vo tròn lại.
Xà di là dụng cụ bắt cá được làm bằng tre dài khoảng 60 - 70cm, được bện lại thành hình tròn như cái lọp, đầu trên túm lại giống cái chóp, đầu dưới hình tròn như vành thúng được gọi là đáy, bên hông xà di ở khoảng giữa là phần cửa hang hay còn gọi là hom cho cá chui vào. Dụng cụ này chủ yếu dùng để bắt cá rô. Đây được xem là hình thức bắt cá rô độc đáo và xưa nhất.
)
(Nguồn: Internet)
Nghề đặt lọp: Lọp là loại ngư cụ hình bầu dục, thon dài, phía trước có gắn hom, phía sau được bịt kín. Để làm lọp, người dân thường dùng cây tre, cây trúc để làm rọng. Hom lọp (nắp) phần lớn được gắn ở miệng lợp, cũng có khi gắn ở 2 đầu, để cá, tôm đi vào và không ra được. Nơi đặt lọp là chỗ râm mát, cây cỏ um tùm, nơi ẩn nấp, trú ngụ của nhiều loại cá đồng. Tùy vào mục đích sử dụng, kích thước mỗi loại sẽ khác nhau. Để bẫy các loại cá nhỏ, tép người ta thường dùng các lọp có kích thước nhỏ; Đối với các loại cá đồng lớn như cá lóc, cá trê,.., tôm cua lớn hơn thì ngược lại.
(Nguồn: Internet)
Nghề đặt ống trúm làm bằng tre:
Ống trúm làm bằng tre thường dài từ 1,2 - 1,5m, gồm 2 - 3 lóng tre. Trúm thường làm bằng ống tre vỏ mỏng, chắc chắn. Đoạn tre được đục phải thông nhau, giữ lại mắc chốt để giữ lươn chui vào, gần đáy trúm được đục thêm 3 - 4 lỗ khí nhỏ để lươn không bị chết ngạt. Làm hom trúm cũng đòi hỏi sự khéo léo, tinh tế thì lươn mới vào.
Mồi nhử lươn rất đa dạng, phổ biến như giun đất, cua , cá sặc nấu chín, ốc giã nát trộn thêm rau thơm để thu hút lươn. Sau đó, người dân sẽ dùng những sợi năn nhỏ gói mồi lại rồi bỏ vào ống trúm hoặc trộn với bùn để nhử lươn.
Khi đặt ống trúm, người dân sẽ chọn những nơi có cỏ dày, có nhiều ủ rác, nơi có nhiều bùn, trời mưa thì đặt chỗ cạn, trời nắng thì chọn chỗ sâu. Ống trúm sẽ được đặt nghiêng một góc và dùng các loại cỏ thân leo hoặc dây để quấn chặt lại và phủ lên bằng cỏ, đuôi trúm nổi lên mặt nước từ 5 - 7cm giúp lươn vẫn sống được.
2. Nghề đóng ghe, xuồng: Để có một chiếc xuồng thành phẩm phải trải qua nhiều công đoạn, như: rọc be, uốn be, ghim lô, phân công, ráp bửng, đóng sạp, đẽo mũi… Thợ giỏi, tay nghề cao có thể đóng mỗi ngày 2 chiếc xuồng loại nhỏ, còn ghe có trọng tải lớn từ 40 - 50 tấn thì đóng 40 ngày mới xong. Cánh thợ nam lựa gỗ, cưa xẻ, bỏ mực, uốn be, cưa, rọc, bào…; phụ nữ lo cơm nước, trét chai, lấp vò; trẻ em nhổ đinh, gom dăm bào, mạt cưa, củi vụn… Mỗi thành phẩm là sự góp công của nhiều người. Mùa nước nổi lên, xuồng, ghe là phương tiện di chuyển chủ yếu, là phương tiện đánh bắt cá,…
(Nguồn: Internet)
3. Nghề đương đệm bàng: Để tạo ra một sản phẩm từ bàng, phải trải qua rất nhiều công đoạn như tót bàng, phơi bàng, giã bàng và cuối cùng là công đoạn đương đệm. Các sản phẩm bao gồm: đệm bàng, bao bàng (cà ròn), bị bàng (giỏ xách), cặp bàng (cặp học sinh), nón bàng, bao nhãn, võng bàng, nóp,… Có thể nói không ngoa rằng, sản phẩm của nghề đương đệm xuất hiện mọi lúc mọi nơi trong cuộc sống của người dân nơi đây.
(Nguồn: Hương Sắc Miền Tây)
4. Nghề làm mắm: Hàng năm, khi con nước lũ đổ về, cá sặt, cá lóc, cá linh... từng đàn kéo về theo con nước lớn. Người dân nơi đây đánh bắt cá rất nhiều và đã nghĩ ra nhiều cách để bảo quản chế biến cá để dùng được lâu hơn, trong đó cá được làm mắm để dùng dần là một trong những cách bảo quản.
Cá cần được làm sạch vảy, kỳ, ruột đối với loại cá rô, trê lóc,…,đối với cá nhỏ chỉ rọc một đường nhỏ, moi ruột ra rồi ngâm cá trong nước muối. Cá làm đến đâu thả ngâm đến đó, chừng 5, 6 giờ vớt ra, xả lại cũng bằng nước muối, sau đó cho vào hũ sành, keo hay khạp nhỏ, dùng một tấm thớt gỗ đè lên, ép thân cá vài mươi phút rồi vớt ra, tẩm thính gạo.
Vào thính khoảng 3 tuần sẽ bắt đầu thêm đường. Đường được dùng là đường tán thì mắm mới có màu đẹp. Sau khi thêm xong thì đợi hơn 2 tuần là hoàn thành, tùy thời tiết, trời càng nóng thì càng nhanh thành phẩm.
Mắm cá có vị riêng đặt biệt, mắm sống trộn rau răm hay trộn với đu đủ sống cùng chén cơm nguội cũng no lòng người nhà quê mấy ngày mưa gió. Hoặc, người ta còn dùng mắm làm nồi lẩu mắm ăn cùng với vị chát của chuối sống vị chua của khế cùng các loại rau khác đãi bạn từ nơi xa đến chơi nhà. Những người con xa xứ đi xa đem theo hủ mắm khi ăn gắp con mắm, và ít cơm lại thấy nỗi nhớ quê da diết, nhớ hương vị quê nhà, rất mộc mạc, đơn sơ nhưng mặn mà, chan chứa!
(Nguồn: Internet)